Vì tôi còn sống, vì tôi còn hát lên…

PIE Nhật kí Covid : Vì tôi còn sống, vì tôi còn hát lên…
Sao em cũng đăng ký vào Miền Nam à?
Vâng, mà em cũng thấy tên chị.
Ừm, bố mẹ chị ở nhà không biết chị đăng ký. Chị cũng chưa nói. Em ở cùng bố mẹ, bố mẹ biết mà cũng đồng ý cho đi à?
Hì! Không đâu, lúc đầu mẹ em cản dữ lắm, nói là nhà có mỗi đứa con gái, đi nhỡ có làm sao thì bố mẹ ở nhà biết phải làm thế nào. Bố em thì im lặng một lúc xem thời sự xong rồi nói: “Lớn rồi, tùy con, có trách nhiệm với quyết định của mình là được”. Em phải làm công tác tư tưởng cho mẹ mất hai ngày cùng với sự hỗ trợ của đồng minh là bố em thì mẹ mới cho đi đấy.
Vâng, chúng tôi- những người trẻ, những người vinh dự khoác lên mình chiếc áo blu trắng đã đến lúc thực hiện lời thề Hippocrates: “Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”
Tôi nghĩ, ai đã từng trải qua buổi lễ Tốt nghiệp trường Y, khi nghe đọc lời thề Hippocrates cũng hừng hực khí thế muốn cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình để chiến đấu đóng góp sức mình cho đất nước- nơi mà ông cha ta đã phải hi sinh cả máu thịt để bảo vệ. Thầy tôi cũng đã dạy: Làm nghề y không chỉ cần có một cái đầu lạnh mà còn phải có một trái tim nóng.
Hỏi rằng: “Không sợ nhiễm bệnh à? Không sợ xa nhà, xa người thân à?”
Có chứ. Các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên, tình nguyện viên, họ cũng là những con người bình thường, cũng có những người thân nhưng… nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai?
Không biết từ bao giờ, thông tin về dịch bệnh lại chiếm sóng của tất cả các trang mạng, báo đài, tivi. Chỉ cần nghe thấy câu: “Số ca nhiễm Covid 19 ngày hôm nay…” là người ta đã thấy chột dạ. Không khó để ta bắt gặp những hình ảnh thương tâm: một gia đình có tới hai, ba người ra đi vì Covid. Những đứa bé như bơi trong bộ quần áo bảo hộ, rồi phải tự lập trong khu cách ly. Tình trạng thiếu thốn về mọi thứ: lương thực thực phẩm, thuốc men, máy móc và cả nguồn nhân lực, ngay cả những người nhiễm bệnh cũng không đủ giường nằm. Rồi câu chuyện đứa con thơ khóc đòi mẹ bế qua màn hình ti vi. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong tâm dịch phải chịu tang mẹ nơi xứ khác. Những hình ảnh ấy thực sự quá đau lòng.
Bên cạnh đó cũng có nhưng câu chuyện khiến người ta mỉm cười khi nghĩ đến: Đó là hình ảnh anh bác sĩ trẻ nở nụ cười tươi khi cho đồng nghiệp cạo trọc đầu để tiện chăm sóc bệnh nhân. Là cô sinh viên đi tình nguyện không quên thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch, vừa chống ế. Là gia đình hai vợ chồng làm bác sĩ, anh chồng xung phong đi đợt đầu với lời nhắn nhủ: Em ở nhà trông con, hết dịch anh về. Bắc- Trung- Nam thì cũng đều gọi nhau hai tiếng đồng bào. Chúng ta cũng đã từng là một khi các cầu thủ U23 Việt Nam giành chiến thắng, cùng nhau đi bão, cùng nhau ăn mừng chiến thắng. Vậy khi hoạn nạn, chúng ta cũng vẫn sẽ là một gia đình.
Tất cả những suy nghĩ trên là nguồn động lực lớn để tôi không ngần ngại ghi tên mình vào danh sách. Với kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy từ trước cộng với các buổi tập huấn về Covid, tôi tin mình sẽ bảo vệ được bản thân và góp một phần sức mình đẩy lùi dịch bệnh, sẵn sàng khi Tổ Quốc cần. Trong đầu tôi tự nhiên vang lên câu hát:
“Vì tôi còn sống, vì tôi còn hát lên bao điều trong lòng tôi…”
Creator: Người từ tuyến đầu chống dịch
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Share on pinterest

Related Posting

MOST POPULAR

Recent Post

Become Our Creator