Khi có mẹ là giáo viên, mình hiểu được những góc khuất của nghề giáo, những khó khăn mà chỉ nghề giáo mới có, những cái đặc biệt mà chỉ dành cho nghề giáo.
Là giáo viên, lại còn là giáo viên tiểu học, học sinh ở lứa tuổi mà mới từ tuổi ăn tuổi chơi sang tuổi bắt đầu cầm bút viết, bắt đầu học tính toán và bắt đầu với nhiều cái mới lạ. Lên lớp cũng phải nhẹ nhàng, cũng phải kiên nhẫn hơn rất nhiều so với các cấp học trên. Những câu như “cô ơi, bạn A trêu con”, “cô ơi, bạn B lấy đồ của con” hay “cô ơi, cái này thế nào, cái kia làm sao…?” đều là những câu mà giáo viên tiểu học nghe hàng ngày. Nhiều người bảo: “Ở nhà nuôi có 2 cháu mà còn đau đầu, không biết trên lớp cô mấy chục cháu thì làm sao?”. Chuyện như cơm bữa, nên các thầy cô cũng học được tâm lý vững vàng, và khả năng giải quyết như thần rồi.
Trong đợt dịch, đa số trường nghỉ dịch, nhưng các giáo viên cũng có nghỉ hẳn đâu, vẫn đến trường, vẫn phải chuẩn bị đồ dùng, bài học, kế hoạch, các công tác chuẩn bị để học sinh đến trường, hay ngay cả trường hợp học online học sinh vẫn không bị mất bài học. Mỗi ngày, mẹ mình nhận mấy chục cuộc điện thoại, bao nhiêu là tin nhắn, chỉ xoay quanh việc làm sao để hướng dẫn học sinh tham gia lớp học, xem xét xem ứng dụng nào mà tất cả học sinh có thể sử dụng được. Nếu là học sinh cấp trên, chỉ cần có điện thoại hay máy tính, thầy cô chỉ cần bảo: “lớp vào ứng dụng này, ứng dụng kia để tham gia lớp học” là các bạn ấy sẽ tự làm được, nhưng học sinh tiểu học, lại cần có người lớn làm thay. Chưa kể, nhiều gia đình còn không có thiết bị để học, hay là bố mẹ bận đi làm, không thể học ban ngày, vân vân. Phụ huynh khó một, giáo viên lại khó mười! khi phụ huynh ý kiến lên như vậy, các thầy cô lại phải ngày đêm suy nghĩ xem, chọn phương án nào cho hợp lý. Bây giờ, nhiều ứng dụng học online ra đời, có khi thế hệ GenZ như mình còn loay hoay mãi mới hiểu được, thì các thầy cô ở thế hệ trước làm sao mà có thể hiểu chi tiết hết, lại còn hướng dẫn lại cho phụ huynh hiểu nữa.
Nhiều hôm, mình ngủ còn chưa dậy, mẹ đã kêu: “mi ra mi coi cái này cho mẹ cái”, “cái đó làm kiểu gì”, “phụ huynh có cần làm thế này thế kia để cho con học không”, “cái này hơn hay cái kia hơn” hay “cái đó có tiện không, các cô có lưu được bài cho học sinh không” các kiểu các kiểu luôn.
Thực sự, nhiều khi mình cảm thấy ghen tị với học sinh của mẹ, mẹ nhớ tên từng học sinh, nhớ học sinh đó học lớp nào, có khi thuộc cả số điện thoại của phụ huynh, trong khi số điện thoại của mình, chưa chắc mẹ đã nhớ! Ngay cả nick facebook của những học sinh đã ra trường, mẹ vẫn còn biết nữa, dù có khi là không kết bạn! Mình cũng ghen tị, khi mà mẹ dành đa số thời gian ở trường rồi, nên khi về nhà, mẹ rất mệt mỏi, có ngày, ăn cơm xong, mẹ đã đi nằm rồi. Thời gian để mà nói chuyện với mẹ cực ít ỏi luôn. Mẹ cũng chưa từng tham gia bất cứ ngày khai giảng hay lễ tổng kết nào cùng mình trong suốt thời gian mình đi học. Có khi mẹ cũng không hiểu áp lực mà con giáo viên người nào cũng có “con giáo viên phải học giỏi, phải ngoan ngoãn…”. Hay nhiều thứ, con cũng phải tự mày mò tự tìm hiểu, thay vì được mẹ chỉ cho.
Cũng từ đó, mình hiểu hơn về nghề của mẹ, về nghề giáo! Mình thấy thương mẹ hơn, không còn suy nghĩ nông cạn, không còn trách móc mẹ như trước nữa; cũng từ đó, mình tôn trọng các thầy cô giáo nhiều hơn, dù đôi khi cũng bức xúc nhiều vấn đề với giáo viên của mình, nhưng mình vẫn dành cho họ sự tôn trọng tuyệt đối. Mình cũng mong, các phụ huynh, có thể đặt mình vào vị trí giáo viên của con mình và dạy con để hiểu hơn về các thầy cô giáo, về những khó khăn khi dạy học hay những tâm huyết mà họ dành cho các học sinh!
Mỗi nghề đều có khó khăn riêng, nghề nào cũng cao quý như nhau. Mong mọi người có thể dành chút thời gian, đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, để cảm nhận được nhiều hơn nha <3 . Chúc mọi người một ngày tốt lành!
#giaovientieuhoc#nghềgiáo#metoilagiaovien
Creator: Nguyễn Mai Anh