KHÔNG PHẢI BODYSHAMING ĐÂU…NHƯNG MÀ!
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng một lần nghe thấy cụm từ “Body shaming” này rồi phải không? Độ viral của cụm từ này ngày càng tăng cao trên những nền tảng mạng xã hội cũng như những công cụ tìm kiếm, nhưng điều nó mang lại cho mọi người lại không giống như cách nó viral. Vậy body shaming là gì nhỉ?
Body shaming (BDSM) chính là miệt thị ngoại hình của một ai đó, họ dùng lời nói, cử chỉ để chế giễu thân hình của người khác. Nhiều người vẫn nghĩ rằng BDSM chỉ là một hình thức đùa cợt với người khác cho vui nhưng đối với những người bị trêu đùa thì họ lại không cảm thấy vui vẻ chút nào. Còn có nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn dẫn đến việc người bị BDSM mắc phải những bệnh về tâm lý và tổn hại đến tinh thần.
Nhưng cũng không hẳn BDSM là đi miệt thị người khác, BDSM cũng có thể là miệt thị chính bản thân mình. Họ không tự tin vào bất cứ điều gì trên cơ thể mình,luôn né tránh và sợ hãi trước đám đông.
Nạn nhân của BDSM lại rất phong phú, từ những người nổi tiếng cho đến những bạn học sinh chẳng có chút tiếng tăm gì. Đối với người nổi tiếng, họ vốn luôn phải giữ cho mình một vóc dáng cân đối, một gương mặt đẹp không tì vết. Vì vậy nên chỉ cần đùi họ to ra vài cm, mặc chiếc váy này xấu hơn cô A, cô B thì ngay lập tức sẽ nhận lại vô số những lời chỉ trích khiếm nhã. Không phải nhìn ở đâu xa, ở Việt Nam ta cũng đã có nhiều người nổi tiếng bị cư dân mạng hay chính fan của họ BDSM như ca sĩ Miu Lê hay là người mẫu Cao Ngân.
Đặc biệt là đối với những bạn nữ đang trong độ tuổi dậy thì, cân nặng là thứ rất khó để kiểm soát. Tôi cũng đã từng trải qua một quãng thời gian khủng khiếp như thế vì là nạn nhân của BDSM. Ở trong lớp luôn là đứa to cao và mập mạp nhất, khi ấy điều khiến cho tôi sợ nhất chính là mỗi lần nhà trường tổ chức buổi kiểm tra sức khỏe. Tội sợ phải đứng lên chiếc cân ấy rồi thấy cái kim quay mấy vòng mới chịu đứng yên, tôi sợ cả những ánh mắt của những bạn học đứng xung quanh. Tôi càng cố gắng che đi thì họ lại càng nỗ lực mà đưa mắt nhìn, cuối cùng một mình tôi cũng không thể làm gì được. Họ còn đem số cân nặng của tôi đi bêu rếu khắp nơi, biến nó thành một trò cười như thể tôi đáng bị như vậy vì tôi có chút da chút thịt.
Nhưng đáng buồn hơn cả là gì?
Là người nhà của tôi cũng nói tôi vì số cân nặng ấy, họ là người mà tôi nghĩ rằng đáng tin cậy nhất, là chỗ dựa cho tôi ghé đầu mà thủ thỉ. Nhưng họ lại không để ý đến cảm xúc của một đứa con gái đang trong độ tuổi dậy thì như vậy. Biết rằng họ có ý tốt, muốn làm động lực cho tôi có thể giảm cân nhưng đâu phải cứ dùng những từ ngữ tiêu cực là có thể khiến tôi làm động lực để giảm cân được. Tôi cũng không nhớ rõ khi ấy bản thân mình đã cố gắng đến mức độ như thế nào nữa.
Nếu bạn nghĩ BDSM chỉ dừng lại ở đó thì sai rồi. Tôi có một người bạn, cậu ấy rất gầy, da dẻ lại đen đúa, đến mùa đông thì lớp da không được chăm sóc nên bị bong vẩy, nhìn đáng thương vô cùng. Tưởng rằng BDSM chỉ xuất hiện với những người thừa cân, ấy vậy mà nó cũng xuất hiện ở cả những người thiếu cân. Cậu ấy bị các bạn hắt hủi, tẩy chay, dè bỉu, chửi rủa hay thậm chí là có những hành động rất quá đáng. Họ gọi cậu ấy là một loại virut, họ thấy da của cậu ấy bị bong tróc thì liền cười cợt và nói là đồ ở bẩn. Đến việc đi qua mà lỡ chạm vào người cậu ấy thì những người bạn kia cũng nhảy dựng lên như thể vào động phải một thứ bẩn thỉu lắm, họ vội vàng chạy đi rửa tay hoặc ngay lập tức cởi chiếc áo khoác ngoài ra rồi ném đi. Người bạn đó của tôi cũng đã cô đơn đến thế nào cơ chứ?
Tệ hại nhất chính là những kẻ chuyên nói những lời cay nghiệt ấy lại là những bạn có vóc dáng hay khuôn mặt rất xinh xắn, dễ nhìn, có một số người còn học rất giỏi. Nhưng họ xinh đẹp, tài giỏi bao nhiêu thì đạo đức và nhân cách suy tàn bấy nhiêu. Họ luôn nói những lời như “Eo, béo thế mà vẫn còn ăn á?”/ “Con lợn vào lớp rồi kìa.”/ “Béo như mày chắc ăn hết cơm nhà tao mất.”/ “Mày gầy như thằng nghiện vậy? Mày bị sida phải không?”/ “Trông mày như bộ xương biết cười vậy, trông kinh chết đi được, tao mà như mày thì tao đã không dám ra đường rồi.”…
Tôi tự hỏi, sao họ lại nói được những lời nói cay độc đến như vậy? Khi thốt ra những lời đó thâm tâm của họ vẫn bình thản sao?
Béo hay gầy, xấu hay đẹp, đen hay trắng đều không phải là một cái tội. Chúng tôi luôn muốn đem đến những điều tốt đẹp cho mọi người nhưng sao họ lại ghét chúng tôi như thế? Để chấp nhận được bản thân đã là một điều không dễ dàng gì, xin đừng dùng lời nói khiến cho chúng tôi tự ti thêm về cơ thể không hoàn hảo của mình. Mong rằng những ai vẫn hay đang dùng cấu trúc câu “Không phải BDSM đâu nhưng mà…” thì hãy dừng lại để xem xem lời nói tiếp theo của mình có khiến cho người nghe cảm thấy buồn bã hay không nhé. Xin đừng làm tổn thương thêm ai nữa.
Nhưng các bạn ạ, tôi không biết các bạn là ai nhưng nếu các bạn đã đọc đến những dòng này, tôi mong rằng các bạn đừng bao giờ ngừng yêu thương bản thân mình nhé. Vì khi bạn yêu thương chính mình thì mới có thể yêu thương người khác. Ngày nào cũng dành cho mình những nụ cười thật rạng rỡ cho dù thế giới ngoài kia có buông những lời nói cay nghiệt thế nào. Đừng suy nghĩ tiêu cực vì bạn không khác những người khác, bạn không giống họ không có nghĩa là bạn xấu, chỉ là bạn đẹp theo cách của bạn mà thôi.
Tôi đã thoát ra được vòng luẩn quẩn của sự yêu và ghét, tôi đã chán ngấy với việc hoàn thiện bản thân để làm vừa mắt người khác. Tôi chỉ muốn làm chính tôi mà thôi. Có một câu nói mà tôi rất thích đó là:
“Thậm chí khi bạn không hoàn hảo thì bạn vẫn là một “phiên bản có giới hạn”.” – Kim Nam Joon (RM-BTS).
Tôi mong rằng các bạn cũng sẽ nhận ra được bản thân các bạn chân quý đến nhường nào.
Creator: Tiểu Lưu Tinh
#PIEstory