GÁC TRỊNH- MẠCH NGẦM NUÔI DƯỠNG CÁI NÔI ÂM NHẠC HUẾ

Lòng ta lại bồi hồi trước những sóng gió của cơn đại dịch, tưởng chừng như phải mất thời gian thật lâu mới có thể chấm dứt. Tôi lặng lẽ lục lại trong cuốn album cũ, đó là những hồi ức tuyệt đẹp trong ngày này vào năm trước, khi những chuyến đi vẫn còn diễn ra như đúng hẹn. Thời tiết gần đây đã có một bước vắt mình sang thu. Tưởng tượng rằng, nếu như tôi đang được ngồi trong căn gác nhỏ, nhâm nhi một tách cà phê đắng, lãng du theo lời bài hát khi nhạc Trịnh được cất lên, thì thật tuyệt nhỉ?

Những câu chuyện xưa cũ, những bài hát của Trịnh Công Sơn đã đi vào năm tháng đã được gói ghém lại trong căn gác nhỏ tọa lạc ở tầng 2, số nhà 203/19, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ tại xứ Huế mộng mơ. Đây là nơi dành cho những tâm hồn thi sĩ, ngân nga những khúc nhạc Trịnh trong một chiếc loa nhỏ được cất lên, và ôn lại những điều xưa cũ, nơi từng là “một chốn đi về” của nhạc sĩ đại tài đất Việt.

Như những kẻ lữ hành, tôi cũng bất giác sống chậm lại để chiêm nghiệm một thời đã qua khi có dịp đặt chân đến nơi đây, một điều mà chắc chắn ở vùng đất Sài Gòn hoa lệ sẽ chẳng bao giờ có. Nơi góc nhỏ vàng ươm nắng từ những hàng cây bên đường; nơi biết bao nhiêu người đã dừng chân, cởi bỏ tâm tình nơi đây; nơi mà nhạc Trịnh vẫn cất lên để vỗ về cho bao kiếp nhân sinh thế trần:

“Còn lời ru mãi vang vọng một trời
Mùa xanh lá vội ru em miệt mài
Còn lời ru mãi, còn lời ru này
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai?”

(Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)

Những câu hát ấy sao có thể quên, khi đã bao nhiêu mùa cây thay lá, thời gian đã qua, nhưng lời ru ấy vẫn trường tồn, với biết bao thế hệ từ già có, trẻ có. Ai cũng cảm nhận được cái chất mà nhạc Trịnh đã mang lại, đọng mãi trong bao tâm hồn của mỗi người.

 

Khắp góc nhà nhỏ là những kỷ vật quý giá, những bức tranh kỷ niệm của cố nhạc sĩ trong không gian nhỏ đậm chất Huế nơi đây. Tôi tin là, đó không chỉ là miền ký ức đã xa, mà đó còn là những nỗi nhớ, nỗi niềm về một thời của Trịnh Công Sơn. Trong từng ca từ được phát lên nơi chiếc đài nhỏ, ẩn chứa trong bức thư tình ông viết cho Dao Ánh và còn nhiều điều hơn thế nữa. Thì ra những điều ấy đã làm nên không gian đặc trưng của “văn hóa” nhạc Trịnh, được lưu giữ tại một căn gác nhỏ bé, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ tài hoa lại lớn lao vô cùng.

 

 

Khó có thể nào để tả hết tâm tình của những con người khi đến nơi đây, khi nhạc Trịnh giúp họ thăng hoa cảm xúc trong những ngày mưa buồn, trong một buổi chiều ảm đạm:

“Chiều chủ nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu”

(Lời buồn thánh)

Bên tách cà phê sánh đặc, bên những cốc sữa chua được bác chủ quán gửi tâm tình để làm nên nó, ta vừa nhâm nhi, vừa chiêm nghiệm về những gì mà cố nhạc sĩ đã gửi gắm, qua không gian nơi đây, cũng như qua lời kể của bác chủ quán. Giữa căn gác bình yên đã xua tan đi cái oi bức của những ngày Huế rực nắng. Dừng chân nơi đây, gói ghém, lại tâm tình, như một lần nữa tôi được trở về với bản ngã của chính mình, với những gì thân thuộc nhất. Không chỉ riêng mình tôi, bạn có thể hòa cùng với dòng cảm xúc của những con người khi đến nơi đây, khi họ đặt bút để khắc lên một cuộc “kỷ yếu” tuyệt đẹp, về những suy nghĩ của mình, trong cuốn sổ được đặt nơi góc nhỏ của căn gác.

Gác Trịnh không đơn thuần là quán cà phê bình thường, mà đây là nơi để những tâm hồn đồng điệu có thể tìm đến với nhau, nơi mà tri âm nương mình trong giai điệu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã một đời chắt chiu cho khúc hát. Âm nhạc Trịnh cũng khắc khoải, cũng sâu lắng như tâm hồn của ông. Người yêu nhạc Trịnh phải đến nơi đây một lần, để thưởng thức những hoài niệm ưu tư nhất!

Nép mình bên gác Trịnh, nép mình bên không gian xưa!

 

Creator: My19slife

Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Share on pinterest

Related Posting

MOST POPULAR

Recent Post

Become Our Creator