Site icon PIETORY

KHI GENZ THAM GIA VÀO CUỘC CHIẾN PHÒNG DỊCH.

Với tinh thần “ Chống dịch như chống giặc” vang lên, ở khắp mọi miền của Tổ Quốc cùng nhau viết nên những lịch sử trong công tác chống dịch. Hòa vào tư tưởng chỉ đạo và phương châm đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất của Nhà nước. Vốn sinh ra trong một gia đình với tôi và ba làm ngành y, tôi – một sinh viên năm tư mang trong mình tâm thế bước vào đại dịch với những sự hăng hái của thế hệ trẻ – thế hệ Genz.
Khi tự nguyện đăng ký hỗ trợ vào tuyến đầu chống dịch, với cảm giác “ Tôi tham gia chống dịch lo một, ba mẹ ở nhà lo mười, lo một trăm”. Ba tôi là một tài xế lái xe cứu thương, hằng ngày khi có sự điều động, ba tôi có nhiệm vụ chở những F0, F1 vào khu cách ly, đồng thời chở các y bác sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm ở các địa phương – nơi có người nghi nhiễm. Làm việc cùng với những người nghi nhiễm, ba tôi thấu hiểu được những sự nguy hiểm trong quá trình làm việc, vì hơn ai hết sự rủi ro lúc nào cũng cạnh bên. Những ngày đầu tham gia trực chiến tại bệnh viện hỗ trợ tuyến đầu điều trị Covid tại bệnh viện, ba mẹ lo lắng, trằn trọc mất ngủ vì nguy cơ lây nhiễm cao, trở thành F0 bất cứ lúc nào. Nhưng hằng ngày nhìn số lượng người nhiễm thông báo qua các phương tiện truyền thông đã thôi thúc tôi làm sứ mệnh của những người tuyến đầu chống dịch, để tạo sự an tâm cho ba mẹ, sau mỗi tối, tôi đều gọi về thông báo sức khoẻ, ba mẹ cũng đã bớt lo, bớt nghĩ, tinh thần thoải mái hơn, bên cạnh đó ba mẹ vẫn luôn dặn dò, động viên tôi. Đặc biệt là ba, mội khi gọi về ba đều kể tôi nghe về công tác chống dịch của ba ở cơ quan. Hai ba con lấy đó làm điểm tựa, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đối với tôi như vậy là đủ, không gì hạnh phúc hơn khi có hậu phương vững chắc luôn ủng hộ.
Là một người con ở tỉnh, tôi lên Sài Gòn học tập và làm việc. Nên tôi xem Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình, tôi cực yêu cái cuộc
sống nhộn nhịp nơi này và cực thích Sài Gòn về đêm. Là một người may mắn đầu vào ngành y đa khoa, được uỷ ban Thành phố hỗ trợ, sau vài năm nữa mình sẽ thi tốt nghiệp và ra trường. Nhưng ngay lúc này, tôi nhận thấy Sài Gòn chưa bao giờ buồn như thế, dịch bệnh đã làm “đình trệ” tất cả mọi thứ, mọi nơi bị phong toả, người dân cực khổ trong từng bữa ăn, có người vượt hơn 1000 km để về quê, không việc làm, không tiền bạc, họ không còn cách nào ở lại. Quá nhiều lí do để là động lực thúc đẩy tôi tham gia chống dịch, góp sức lực cùng mọi người vượt qua khó khăn, cực khổ. Mong sau hết tháng này, số ca bệnh Sài Gòn và cả nước sẽ giảm đáng kể, tỉ lệ tử vong giảm và cuộc sống sớm trở lại bình thường vốn có.
Vào những ngày đầu tiên làm việc tại bệnh viện, 1 ngày 8 tiếng trong bộ đồ PPE Astronaut này thật sự kinh khủng, cảm giác cơ thể mất nước, khó thở (SpO2 luôn khoảng 95%) thở còn không nổi thì làm được gì, không ăn uống, không vệ sinh, làm mọi việc hơi bất tiện, áp lực luôn đè nặng bởi sự quá tải cả sức lực lẫn tinh thần vì trong ca trực luôn phải đối diện với các bệnh nhân, đôi khi bệnh nhân bỗng trở nặng và ra đi. Thật sự nếu tinh thần và tâm lí của nhân viên y tế không vững, không suy nghĩ tích cực, thì rất khó trụ vững. Nhưng ai khi vào “mặt trận” phòng dịch cũng mang trong mình, tinh thần quyết chiến và đẩy lùi đại dịch cả. Ban đầu tôi nghĩ “Theo xong rồi, nhìn cái combo nóng của Sài Gòn và bộ đồ bảo hộ, ắt không thể nào chịu nổi, không sớm xong lại kéo vali đi về”. Mà không biết sao, khi tham gia làm việc rồi tôi mới thấy cả các bác sĩ, y tá,.. mọi người đều rất nhiệt huyết, làm việc rất năng suất, tinh thần trong tôi như được đẩy lên với hiệu suất cao nhất. Thông thường khi hết ca làm việc, bữa trưa của mọi người thường 15h00, bữa tối thì 23h00, đến lúc đấy cơm canh đã nguội, tuy không còn nóng nữa, nhưng thực sự ăn vào cảm thấy rất ngon luôn.
Nếu ai đấy hỏi tôi rằng: “Tham gia chống dịch khổ không?” Thì tôi sẽ cười và nói rằng chúng tôi rất ổn bởi chính sự quan tâm và hỗ trợ của nhà trường và bệnh viện, được lo ăn uống, ăn vặt, khách sạn nghỉ ngơi, ngoài ra vào mỗi thứ năm hằng tuần chúng tôi còn được test Covid. Là 1 thành viên tham gia chống dịch và quan trọng nhất, hạnh phúc nhất là được giúp người. “Được làm người tốt sướng lắm”. Tinh thần đoàn kết của toàn dân đã và đang là một làn sóng, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lời cuối tôi xin các lực lượng công an, bộ đội, các y bác sĩ, các anh/ chị tình nguyện viên và rất nhiều người đã cùng nhau tham gia hỗ trợ chống dịch. Chỉ mong sao đại dịch mau qua để chúng ta được sống và làm việc trong trạng thái “bình thường mới”.
Creator: Yan